Sáng 10/4/2012, tại Hội trường Ngụy Như Kontum, 19 Lê Thánh Tông, ĐHQGHN đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội thảo “Xây dựng chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc”.
TS. Đinh Văn Cương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc và GS.TS Mai Trọng Nhuận - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN đồng chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có đại diện Ban chỉ đạo Tây Bắc, một số Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, Ban Giám đốc ĐHQGHN cùng lãnh đạo 14 tỉnh trên địa bàn Tây Bắc Việt Nam.
Theo Nghị quyết 37- NQ/TW vùng Tây Bắc gồm vùng trung du và miền núi Bắc Bộ của 12 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Trong phát biểu đề dẫn, TS. Đinh Văn Cương nhấn mạnh, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường cả vùng Bắc Bộ. Cùng với đó, TS. Đinh Văn Cương cũng đề cập đến những lợi thế, nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển của vùng đất này. Tây Bắc có 30 dân tộc sinh sống với tổng số hơn 11 triệu dân, có hơn 2500 km đường biên giới. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên tập trung cho phát triển Tây Bắc, tạo sự chuyển biến tích cực song nơi đây vẫn tiềm ẩn những nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng, có thể gây mất ổn định an ninh xã hội và chủ quyền quốc gia.
Theo TS. Đinh Văn Cương, nội dung cốt yếu để phát triển bền vững Tây Bắc là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông và phát huy lợi thế của vùng. Đồng chí cho rằng việc xây dựng một chương trình khoa học trọng điểm quốc gia để phục vụ phát triển Tây Bắc theo hướng liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực là đặc biệt cần thiết.
|
TS. Đinh Văn Cương phát biểu đề dẫn hội thảo |
Đồng chí Đinh Văn Cương bày tỏ sự vui mừng khi ĐHQGHN chủ động đề xuất cùng với Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với các cơ quan khoa học khác trong việc làm đầu mối chủ trì, thiết kế, xây dựng và đề nghị cấp trên phê duyệt chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về việc phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc. Đây là sự gặp gỡ ý tưởng giữa những nhà quản lí và nhà khoa học, xuất phát từ thực tiễn.
Trong bài phát biểu của mình, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN đề cập đến tính cấp thiết của việc xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc. Trong lịch sử cũng như hiện tại, vùng Tây Bắc luôn là địa bàn chiến lược trọng yếu, là nơi đầu nguồn của tất cả các dòng sông, nơi nắm giữ và cung cấp nguồn nước cho toàn bộ vùng châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển to lớn nhưng chưa được khám phá đầy đủ, chưa được khơi dậy và phát huy tốt tính bền vững…
Các đại biểu tham gia hội thảo
Với quan điểm coi sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đã tổ chức triển khai thành công nhiều chương tình Khoa học công nghệ cấp quốc gia, trong đó có những chương trình “nền” trên phạm vi cả nước và cả các chương trình tổng hợp, liên ngành về các khu vực nông thông, biển đảo, biến đổi khí hậu hay về các vùng trọng điểm. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một chương trình nghiên cứu tổng thể toàn diện về vùng Tây Bắc với tầm nhìn chiến lược mang tính đột phá, tiếp cận và giải quyết các vấn đề của vùng theo quan điểm phát triển bền vững, liên ngành, liên lĩnh vực, tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của vùng trong chiến lược phát triển của đất nước và chủ trương của Bộ Chính trị thể hiện ở Nghị quyết 37 - NQ/TW.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chương trinh KHCN do ĐHQGHN chủ trì phối hợp với Ban Chỉ dạo Tây Bắc và một số cơ sở nghiên cứu và đào tạo chủ chốt của đất nước và của vùng đề xuất sẽ là chương trình khoa học công nghệ tổng thể đầu tiên, với mục tiêu hàng đầu là tạo một nền tảng, một đòn bẩy tri thức – công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ cho chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân các dân tộc trong vùng và góp phần đưa Nghị quyết 37 - NQ/TW của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh, Chương trình được xây dựng dựa trên sự tiếp cận theo hướng phát triển bền vững, tức là phải tiến hành đồng bộ, vì hiện tại nhưng không tổn hại đến tương lai…
Tổng hợp ý kiến tại hội thảo, GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, ĐHQGHN là cơ quan khoa học hội đủ các điều kiện về nguồn lực trí tuệ, quan hệ hợp tác rộng mở, kinh nghiệm để chủ trì thực hiện chương trình KHCN trọng điểm này.
Trong khuôn khổ của hội thảo, hàng chục ý kiến đại diện của các địa phương đã bày tỏ sự đồng tình với những đề xuất của ĐHQGHN và Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Các đại biểu cùng cho rằng nội dung của Chương trình là hợp với “ý Đảng, lòng dân”, đúng lúc, đúng chỗ và vô cùng cần thiết… Các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin và bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành cùng các công cụ khai thác kèm theo phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và phát triển bền vững; bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Bắc và từng tiểu vùng địa chính trị - kinh tế - sinh thái; phát triển, ứng dụng và chuyển giao một số hệ thống công nghệ tiên tiến và thích hợp cho các doanh nghiệp trong vùng nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Xây dựng, ứng dụng và chuyển giao một số mô hình phát triển bền vững trên cơ sở tích hợp ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững toàn vùng và các tiểu vùng.