Việt Nam cần phải cải thiện được mức độ minh bạch tài khóa của mình dựa trên các tiêu chuẩn, bộ quy tắc về minh bạch tài khóa theo thông lệ quốc tế nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách có lựa chọn, phát triển thị trường tài chính hội nhập với khu vực và thế giới. Thực tiễn cho thấy các nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế có thể được hỗ trợ rất nhiều nếu mục tiêu minh bạch tài khóa được giải quyết một cách hiệu quả. Do đó, cuốn sách sẽ đi sâu vào việc tìm câu trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra liên quan tới minh bạch tài khóa ở Việt Nam và cải cách hướng tới thông lệ quốc tế.
Minh bạch tài khóa là một trong
những tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá trình độ phát triển quốc gia, đồng
thời có mối quan hệ thuận chiều với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Vì vậy,
minh bạch tài khóa luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của cả chính phủ, các tổ
chức quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia và nhà khoa học.
Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và
Phát triển kinh tế (OECD) đã đánh giá cao các vấn đề liên quan đến mức độ mở cửa
tài chính và công khai báo cáo tài chính quốc gia. Việc xuất bản Quy ước thực
hành tốt minh bạch tài khóa năm (Codes of Good Practices on Fiscal
Transparency, 1998) và Tiêu chuẩn thực hành tốt nhất về minh bạch ngân sách năm
2000 (Best Practices for Bugdet Transparency, 2000) của hai tổ chức trên cho thấy
rằng đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu thực tiễn về lịch sử minh bạch
tài khóa gắn liền với các khủng hoảng nợ công và ngân sách. Jamuzek, M. (2006)
cũng khẳng định rằng những cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử đều
bắt nguồn từ sự che đậy những yếu kém, thiếu minh bạch về chi tiêu của nhà nước
cầm quyền ở trong quá khứ.
Việt Nam đã đi
được một chặng đường dài trong việc khẳng định vị thế quốc gia với những nỗ lực
vượt bậc trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng hợp tác
song phương, đa phương với hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trong những năm qua, quản lý tài chính công ở Việt Nam đã từng bước được cải
cách và đổi mới trên nhiều phương diện. Đặc biệt, Luật Ngân sách sửa đổi 2015
đã và đang được đánh giá là một công cụ quan trọng để tăng cường tính minh bạch
tài khóa. Chiến lược tài chính đến năm 2020 đã được Bộ Tài chính xây dựng nhằm
góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó minh bạch tài khóa là một
trong những chuẩn mực cốt lõi. Mặc dù vậy, chặng đường phía trước còn rất gập
ghềnh. Theo Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá của USAID (2013), Việt Nam ở mức
xếp hạng D về phân loại ngân sách, B về mức độ toàn diện thông tin văn bản ngân
sách, C+ về quy mô hoạt động, B+ về minh bạch quan hệ tài khóa giữa các cấp
chính quyền, C về giám sát rủi ro tài khóa, và B về khả năng tiếp cận thông tin
tài khóa.
Như vậy, Việt
Nam cần phải cải thiện được mức độ minh bạch tài khóa của mình dựa trên các
tiêu chuẩn, bộ quy tắc về minh bạch tài khóa theo Bộ quy tắc về minh bạch hóa
tài khóa của IMF, các tiêu chuẩn về minh bạch ngân sách của OECD, Chương trình
ngân sách quốc tế trong tương lai để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài một
cách có lựa chọn, phát triển thị trường tài chính hội nhập với khu vực và thế
giới. Thực tiễn cho thấy các nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế có thể được hỗ trợ
rất nhiều nếu mục tiêu minh bạch tài khóa được giải quyết một cách hiệu quả.
Tác giả: PGS.TS. Lê Trung
Thành (Chủ biên)
Loại bìa: Bìa mềm
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 216
Giá bìa: 160.000
Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Khoa học
và Kỹ thuật
ISBN: 978-604-670-917-6 |
Cuốn sách “Minh
bạch tài khóa ở Việt Nam: Cải cách hướng tới thông lệ quốc tế” sẽ luận bàn về
những nội dung nêu trên, trọng tâm là đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi
nghiên cứu được đặt ra như sau:
Một là, Việt Nam cần rà soát, áp dụng
kinh nghiệm quốc tế và những hướng dẫn về thông lệ tốt nhất liên quan đến loại
hình chi tiêu và nhu cầu phân bổ ngân sách, chế độ và quy trình công bố các báo
cáo cập nhật tình hình cần được thực hiện như thế nào?
Hai là, các cơ quan lập pháp tại Việt
Nam cần bổ sung những điều khoản gì về công bố dự toán ngân sách chưa phê duyệt,
các báo cáo tổng hợp bao gồm các quỹ ngoài ngân sách; báo cáo của địa phương đảm
bảo trách nhiệm giải trình cao hơn ra sao để cải thiện khung khổ pháp lý về quản
lý tài khóa trong cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn?
Ba là, Việt Nam cần cải cách hệ thống
thuế và kế toán như thế nào để có thể đối chiếu dữ liệu về kết quả tài chính
cũng như sử dụng thông tin hiện có và thông tin lịch sử trong cả trung hạn và
dài hạn nhằm nâng cao tính tin cậy, minh bạch của chính sách tài khóa tổng thể.
Làm thế nào có thể triển khai áp dụng các kịch bản khác nhau về dự báo thu, chi
ngân sách để chủ động hơn với những biến động lớn và các cú sốc về tăng chi
tiêu và giảm thu ngân sách?
Bốn là, cần có những khuyến nghị gì đối
với Chính phủ nhằm cải thiện tính minh bạch trong quản lý thu quản lý viện trợ
trong trước mắt và trách nhiệm giải trình, báo cáo ngân sách ở tầm trung đến
dài hạn như thế nào nhằm tăng cường tính minh bạch tài khóa tại Việt Nam?
Với cách tiếp cận
rất đa chiều của các nhà nghiên cứu, cuốn sách hướng tới 4 nội dung chính:
Thứ nhất, những bước tiến minh bạch tài
khóa ở Việt Nam hướng tới thông lệ quốc tế: Khoảng 30 năm trở lại đây, xu hướng
cải cách quản lý tài chính công xuất hiện ở nhiều quốc gia và được cổ vũ, khích
lệ bởi các tổ chức hợp tác quốc tế và các nhà tài trợ quốc tế. Nhiều cải cách mới
được đưa ra; trong đó, công khai, minh bạch Ngân sách nhà nước (NSNN) là một nội
dung cải cách quan trọng. Chính yếu tố này đã giúp cho quản lý tài chính công ở
các quốc gia sớm thực hiện công khai, minh bạch NSNN đạt được nhiều thành tựu
đáng kể. Nhờ đó, minh bạch ngân sách càng được cổ vũ và khuyến khích áp dụng rộng
rãi ở các quốc gia, đặc biệt ở các quốc gia kém phát triển. Việt Nam cũng là một
trong số các quốc gia được khuyến khích sớm triển khai áp dụng công khai, minh
bạch NSNN. Thực tế Việt Nam đã và đang từng bước triển khai thực hiện công khai,
minh bạch ngân sách theo các cấp độ từ thấp đến cao - xét trên giác độ khung
pháp lý.
Thứ hai, phân tích đa chiều về minh bạch
tài khóa: Mức độ minh bạch phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi
quốc gia, khả năng quản lý của mỗi chính phủ, địa phương, cơ quan tổ chức,
doanh nghiệp. Minh bạch chính sách vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu trong quá
trình cải cách kinh tế, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất
nước. Việc công bố công khai, minh bạch quá trình hoạch định và thi hành các cơ
chế, chính sách là rất cần thiết.
Được thảo luận
và tranh luận công khai, dân chủ thì cơ chế, chính sách được bổ sung, hoàn chỉnh,
do đó sẽ sát thực tế, đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là khắc
phục được tình trạng “kinh doanh cơ chế”, lợi dụng cơ chế để mưu cầu lợi ích cục
bộ, địa phương, phe nhóm. Minh bạch giúp cho việc thi hành luật pháp được thông
suốt, khắc phục tình trạng cùng một quy định nhưng cơ quan nhà nước hiểu và giải
thích khác nhau. Môi trường kinh tế minh bạch giúp cho các đơn vị, các tổ chức
tiếp cận thông tin, tăng tính bình đẳng và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Do
đó, việc phân tích tính minh bạch tài khóa trên các cách tiếp cận đa chiều từ
các nhân tố ảnh hưởng tới minh bạch tài khóa, minh bạch tài khóa để phát triển kinh
tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của kiểm toán, cải cách thuế trong minh
bạch ngân sách.
Thứ ba, quản lý nợ công và thâm hụt ngân
sách: Một trong những nguyên tắc quan trọng của ngân sách nhà nước là sự cân đối
giữa thu và chi. Song, trong một số thời điểm, Nhà nước có số chi vượt thu buộc
chính phủ phải vay vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, điều đó làm
phát sinh nợ công. Nợ công được dùng để bù đắp các khoản bội chi ngân sách của
chính phủ, nó có vai trò quan trọng với tăng cường đầu tư phát triển. Tại các
quốc gia đang phát triển cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng, phát triển khoa học,
công nghệ... nếu chỉ sử dụng nguồn vốn tự có, sẽ không thể đủ đáp ứng nhu cầu,
vì vậy nguồn vốn vay là điều cần thiết phải có với các quốc gia đang phát triển.
Hiện nay, việc vay nợ diễn ra khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả
các quốc gia phát triển. Môi trường đầu tư trong nước sẽ sôi động hơn nhờ số tiền
vay được, từ đó tăng cường các hoạt động đầu tư, thu hút thêm các nguồn vốn mới
giúp đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sử dụng nợ công như con dao
hai lưỡi, khó kiểm soát và có thể dẫn tới các khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phát triển mạnh mẽ và có nhiều chuyển biến
khó lường, điển hình là khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra từ cuối năm 2008, đầu
năm 2009, khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp đang lan sang một số nước châu Âu, nợ
công và quản lý nợ công trở thành vấn đề nóng được lãnh đạo các quốc
gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Do đó, các kinh nghiệm quản lý nợ công của
một số nước trên thế giới sẽ góp phần đưa ra bài học giúp Việt Nam có những giải
pháp xử lý thâm hụt ngân sách.
Thứ tư, một số góc nhìn về quản lý tài
chính công hướng tới sự minh bạch: Quản lý tài chính công tốt đóng vai trò quan
trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, bất kể là nước phát triển hay
đang phát triển như Việt Nam. Sự khác biệt giữa phương pháp và cách tiếp cận kỹ
thuật trong quản lý tài chính công ở mỗi nước sẽ tạo ra những kết quả và hiệu
quả quản lý khác nhau. Minh bạch tài chính công là dấu hiệu cho thấy một chính
phủ có trách nhiệm và quản trị khu vực công hiệu quả. Thông tin ngân sách là phần
quan trọng nhất được chính phủ công bố. Đây là thông tin mà công chúng cần để
đánh giá hiệu suất của chính phủ và đảm bảo rằng các hoạt động của chính phủ tạo
lợi ích tốt nhất cho công chúng. Trong những năm gần đây, xu hướng minh bạch
tài chính công tại các nước trên toàn thế giới đang có những biến chuyển vô
cùng mạnh mẽ ở cả các nước phát triển và sau đó là các nước đang phát triển.
Trong nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu rộng như hiện nay, Việt Nam đã và đang
tham gia mạnh mẽ vào lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn hết, các dòng vốn đầu
tư nước ngoài ngày càng có xu hướng tăng mạnh cả ở hình thức đầu tư trực tiếp và
gián tiếp. Nhà nước cần tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư bằng việc tăng cường
nâng cao chất lượng trong quản lý tài chính công trên cơ sở thực hiện công
khai, minh bạch thông tin, góp phần vào công cuộc cải cách có hiệu quả nền kinh
tế. Do đó, các nội dung về tăng cường hiệu quả quản lý tài chính công góp phần
tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài, kinh nghiệm của các nước về quản
lý tài chính công và minh bạch, bài học rút ra cho Việt Nam.