Trong những năm gần đây diện tích trồng cây quế ở vùng núi phía Bắc Việt Nam đã gia tang nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào kinh tế địa phương và thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển cây quế ở khu vực này phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc mở rộng nhanh chóng và thiếu đất canh tác trong tương lai.
Bài báo “Shifting Challenges for Cinnamomum Cassia Production
in the Mountains of Northern Vietnam: Spatial Analysis Combined with Semi-structured
Interviews” của Nguyễn An Thịnh và nhóm tác giả công bố trên Journal of Environment,
Development and Sustainability đã phát
triển một cách tiếp cận lai (hybrid approach) kết hợp các mô hình phân tích
không gian (GIS, Markov-CA), mô hình ra quyết định đa chỉ tiêu (MCDM) với điều
tra kinh tế xã hội để đánh giá thích nghi đất đai, lập quy hoạch chuyển đổi mục
đích sử dụng đất, phân tích hiệu quả kinh tế sinh thái của việc chuyển đổi mục
đích sử dụng đất đối với cây quế tại tỉnh Yên Bái. Các sản phẩm nghiên cứu bao gồm: bản đồ vùng đất đai thích hợp với cây quế,
bản đồ dự tính không gian mở rộng của cây quế đến năm 2025; phân tích quan hệ
giữa sinh kế của người Dao, Hmong và Tày với giá trị kinh tế của cây quế; xác định
các yếu tố sinh thái, thu nhập và lợi nhuận thách thức việc phát triển cây quế trong
hiện tại và tương lai.
Những kết quả nghiên cứu của
nhóm tác giả chỉ ra rằng các chính sách quản lý đất đai và quy hoạch sử dụng đất
đối với cây quế ở miền núi phía Bắc cần được xem xét một cách thận trọng. Các tỉnh
miền núi phía Bắc có diện tích trồng quế lớn nhất là Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang
và Lai Châu cần thúc đẩy phát triển cây quế nhằm đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh
và nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tỉnh Lào Cai có biên
giới tiếp giáp với Trung Quốc, nằm trong vùng trồng quế lớn của Việt Nam và đã
trở thành một vùng quế tiềm năng. Bài báo chỉ ra rằng thiếu đất canh tác là thách
thức lớn nhất đối với phát triển cây quế tại các tỉnh này: dự tính đến năm 2025,
trên 50% diện tích đất không phù hợp sẽ được sử dụng để trồng loại cây này. Bên
cạnh đó là sự yếu kém trong công tác quản lý sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất,
dẫn đến tình trạng nông dân trồng cây quế không theo quy hoạch, có nguy cơ vượt
quy hoạch và khó kiểm soát. Điều này tác động tiêu cực tới giá cả, thị trường trong
và ngoài nước của sản phẩm quế.
Trên cơ sở các phân tích
đó, nhóm tác giả đã khuyến nghị các chính sách phát triển bao gồm:
Thứ nhất, Nhà nước cần quy hoạch giao thông để vùng sâu vùng xa có tiếp
cận được tới thị trường và các dịch vụ kinh tế xã hội. Việc mở đường cao tốc nối
Hải Phòng (Việt Nam) với Côn Minh (Trung Quốc) qua các tỉnh trọng điểm trồng quế
đã thúc đẩy khả năng tiếp cận của tuyến đường thương mại này và tạo điều kiện
tiếp cận thị trường cho cộng đồng sống gần các tuyến trục giao thông.
Thứ hai, các chính sách hiện hành của chính quyền cấp tỉnh cần được
điều chỉnh trên cơ sở cân đối cung cầu ở cấp vùng để giải quyết các vấn đề cấp
bách trong quản lý quy hoạch sử dụng đất đối với cây quế.
Thứ ba, chính quyền cấp tỉnh cần ban hành chính sách bảo tồn diện
tích quế có tính bền vững cao như là “vùng lõi của sản xuất cây quế bản địa”.
Thứ tư, chính quyền cấp tỉnh và cấp địa phương cần ban hành chính
sách và các quy định chặt chẽ về quản lý sâu bệnh hại theo tiếp cận Quản lý Dịch
hại Tổng hợp (IPM), hướng tới tăng cường khả năng sinh trưởng và sức đề kháng
sâu bọ của cây trồng, qua đó làm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm cây quế.
Những hàm ý chính sách nói
trên nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chất lượng đất, và thúc đẩy chuỗi
giá trị toàn cầu của các sản phẩm cây gia vị nói chung, sản phẩm cây quế nói
riêng, đảm bảo tính bền vững của phát triển cây quế ở vùng núi phía Bắc.
>> Xem bài báo tại đây:
- Shifting Challenges
for Cinnamomum Cassia Production in the Mountains of Northern Vietnam: Spatial Analysis
Combined with Semi-structured Interviews, Journal
of Environment, Development and Sustainability (2021).
- Danh sách tác giả: Nguyễn An Thịnh (Trường Đại học Kinh
tế, ĐHQGHN), Tạ Văn Hạnh và Nguyễn Văn Hồng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ
Việt Nam), Phạm Anh Tuân (Trường Đại học Tây Bắc), Mélie Monnerat (Đại học
McGill, Canada), Luc Hens (Viện Nghiên cứu Công nghệ Flemish, Vương quốc Bỉ)
- Tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:
|
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh: Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển - Trường
Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, đồng thời đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Sinh
thái Cảnh quan Quốc tế tại Việt Nam (VN-IALE). Ông có chuyên môn sâu, nghiên cứu
và giảng dạy về kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường, đã xuất bản trên 20
cuốn sách khoa học (trong đó đồng chủ biên 4 cuốn sách viết bằng tiếng Anh, gồm
3 cuốn được NXB Springer ấn hành), trên 30 bài báo ISI/SCOPUS và trên 100 bài
báo đăng tải trên tạp chí chuyên ngành trong nước. Năm 2014, PGS.TS. Nguyễn An
Thịnh nhận giải thưởng “Sách hay, sách đẹp” dành cho cuốn sách chuyên khảo Sinh thái cảnh quan: Lý luận và ứng dụng thực
tiễn trong môi trường nhiệt đới gió mùa (1.040 trang, NXB Khoa học và Kỹ
thuật). |