Thông tin cho sinh viên
 
Tân PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: “Thành công đến từ những nỗ lực”

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi
Giảng viên trẻ Nguyễn Việt Khôi - Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cùng 5 đồng nghiệp khác của Trường vừa được vinh danh tại Lễ công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2014 do Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày 4/2 vừa qua. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh:


- Chào anh, được biết, anh là một trong những nhà giáo trẻ được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 2014. Xin chúc mừng anh và xin được hỏi: Anh có cảm nghĩ gì?

Được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư là niềm tự hào, là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của một giảng viên. Tôi cũng vậy! Sau nhiều năm gắn bó với nghề sư phạm, tôi vinh dự và hạnh phúc khi những nỗ lực và đóng góp của mình được ghi nhận. Tuy nhiên, niềm vui này cũng là thách thức, trách nhiệm. Những chặng đường tiếp theo có thể khó khăn và gập gềnh hơn trước. Nhưng tôi tin rằng nếu còn nhận được sự tin yêu, giúp đỡ, và ủng hộ của gia đình, thầy cô, đồng nghiệp, và các em sinh viên, tôi sẽ còn tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn. Nhân dịp này, tôi xin chuyển lời cảm ơn tới những sự giúp đỡ âm thầm và quý báu đó.

- Anh có thể đôi chút về công việc hiện tại của mình không?
Ở Trường ĐHKT - ĐHQGHN, công việc của tôi cũng như các giảng viên khác, tôi giảng dạy và thực hiện các nghiên cứu khoa học liên quan đến chuyên môn của mình. Ngoài ra, được các thầy cô trong Ban Giám hiệu Trường ĐHKT, Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế tín nhiệm phân công phụ trách mảng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Bộ môn Kinh doanh Quốc tế nên tôi cũng phải dành thêm thời gian cho các hoạt động liên quan tới mảng công việc này. Ở nhà, tôi được gia đình tín nhiệm giao cho tôi phụ trách mảng về y tế, giáo dục đào tạo và giao thông vận tải (chăm lo sức khoẻ, dạy con học bài và đưa đón con đi học), trừ mảng tài chính (cười)... Tôi thấy những công việc này cũng chiếm khá nhiều thời gian nhưng lại đầy ắp tiếng cười và vô cùng thú vị.


PGS.TS Nguyễn Việt Khôi được trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Phó giáo sư


- Anh đến với nghề “trồng người” như thế nào? Liệu đó có phải là cơ duyên?

Tôi đến với nghề “trồng người” đúng là một cơ duyên. Trước khi tốt nghiệp đại học, tôi không nghĩ sẽ có một ngày được đứng trên bục, giảng bài cho các em sinh viên của chính ngôi trường tôi từng học tập.

Tôi còn nhớ, đầu năm 1996, lớp chúng tôi nhận cuốn sổ tay hướng dẫn tuyển sinh đại học - cao đẳng từ cô chủ nhiệm để tìm hiểu đăng ký chọn ngành nghề cho tương lai. Là học sinh chuyên Anh, chúng tôi đều chọn các trường đại học tổ chức thi tuyển khối D. Sau nhiều lần cân nhắc, tôi quyết định gửi giấc mơ vào ngành Kinh tế Đối ngoại - Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ngày nay). Trong suốt thời gian sinh viên, điều tôi nhớ nhất là điều kiện học tập, cơ sở vật chất của lớp học. Khu giảng đường ngày đó không có máy chiếu, wifi, thang máy hay điều hoà như sinh viên ĐHKT hiện nay. Ngay cả thứ đơn giản nhưng quan trọng nhất là giáo trình, sách tham khảo, chúng tôi cũng không thể tiếp cận được đầy đủ. Ngày ấy, chính các thầy cô, với sự cảm thông và lòng nhiệt tình, đã giúp chúng tôi hiểu được giá trị của cuộc sống. Bên cạnh gia đình, thầy cô và bạn bè cũng là nguồn động lực to lớn, giúp tôi bước tiếp con đường học thuật như bây giờ.

Ban đầu, tôi chỉ mong muốn tìm một việc làm phù hợp với thu nhập tốt sau khi ra trường, chính cơ duyên với nghề sư phạm đã giúp tôi nhận ra đây là công việc tôi yêu thích và là đích đến cuối cùng của tôi. Sự chăm chỉ trong suốt quãng thời gian học đại học và sự may mắn đã đem lại cho tôi một kết quả tốt nghiệp đại học xuất sắc. Tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Tôi thực sự biết ơn các thầy cô trong Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT lúc bấy giờ đã cho tôi cơ hội này. Một cánh cửa mới mở ra, một nấc thang lớn tiếp theo trong đời được hoàn thành. Nghề sư phạm đã mang đến cho tôi cơ hội vừa học vừa làm ở chính ngôi trường này.Tôi quan sát và nhận thấy rằng thế hệ sinh viên xưa và nay có sự khác biệt đáng kể. Nếu như hồi đó, sinh viên lớp chúng tôi hầu hết đến từ Hà Nội hay các thành phố lớn, thì ngày nay, các bạn sinh viên đến từ Hà Nội hay các thành phố lớn chỉ là thiểu số. Đa số sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, thậm chí từ những vùng xa xôi của Tổ quốc. Điều này có thể là dấu hiệu tích cực của một nền kinh tế đang phát triển đồng đều giữa các vùng miền, nhưng cũng có thể là sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục bậc đại học ở Việt Nam khi nhiều gia đình ở các thành phố lớn đều muốn gửi con em ra nước ngoài học tập. Đây là nỗi niềm trăn trở và là lý do tôi muốn bước tiếp trong nghề sư phạm để đóng góp dù là nhỏ nhất cho hệ thống giáo dục đại học của nước nhà hiện tại.

Trải qua nhiều năm, tôi nhận thấy tình yêu với nghề trong tôi ngày một lớn. Nghề dạy học giúp tôi mở mang trí tuệ, cho tôi nhiều niềm vui và cơ hội mới. Tôi cũng dần hiểu được vai trò của yếu tố công bằng, khắt khe và độ lượng của một người thầy trong môi trường sư phạm. Những yếu tố đó giúp tôi mang lại nụ cười và niềm hạnh phúc tới các thế hệ sinh viên tôi đã và đang đào tạo. Cám ơn trường đại học đã mang đến cho tôi kiến thức, hiểu biết, những trải nghiệm thực tế và cả công việc mà tôi đang theo đuổi lúc này.

- Có khi nào anh hối tiếc hoặc băn khoăn về sự lựa chọn nghề nghiệp hiện tại?

Tôi từng trăn trở về khả năng thay đổi nghề. Đó là giai đoạn tôi gặp phải tai nạn và để lại một số di chứng trên cơ thể. Lưng tôi bị chấn thương và cột sống bị viêm kết dính với nhau. Điều này không chỉ đem lại hạn chế về mặt sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới tinh thần của tôi. Những ánh mắt nhìn tôi từ những người xa lạ hay chính sinh viên của tôi không giống như nhìn những người bình thường khác. Tôi cảm nhận được phần nào sự phán xét qua những ánh mắt đó: có thể là thương hại, có thể là cười nhạo, hay có thể tò mò xem chuyện gì đã xảy ra? Điều đó từng khiến tôi muốn khép kín bản thân, muốn đi thật xa, muốn chuyển công việc khác. Nhưng cuối cùng tôi quyết tâm đối mặt với nó. Tôi bắt đầu học làm quen với những ánh mắt đó. Tôi không e dè trước những ấn tượng ban đầu về mình. Tôi nhận thấy sự giao tiếp và cư xử mới là những gì quan trọng. Tôi sống mở lòng hơn với mọi người. Tôi nhận ra sự thấu hiểu và chia sẻ giữa người và người mới đem lại cho tôi những người bạn thực sự. Kể từ ngày đấy, khi tôi quyết tâm bước tiếp, hành trình của tôi thực sự bắt đầu. Tôi tâm đắc rằng: “Absolutely, until my body stops growing and even gets hurt, my mind actually starts for the real development”. Tôi yêu công việc hiện tại. Tôi không còn hối hận với quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mình.

- Điều gì làm anh tâm huyết với nghề dạy học, với Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi Khoa Kinh tế - ĐHQGHN và nay là Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đến vậy?

Để tồn tại và phát triển trong bất kỳ ngành nghề nào, tôi nghĩ bạn không thể không tâm huyết với nó. Tôi tâm huyết với nghề dạy học vì nghề cho tôi cơ hội được học tập liên tục, được chia sẻ và kết nối tri thức. Đó cũng là điểm tựa để tôi tiếp tục niềm đam mê với nghề. Ngoài vai trò là người truyền đạt kiến thức, người thầy ít nhiều cũng là chỗ dựa tinh thần cho học trò. Chính những câu nói của các thầy cô từng dạy là hạt giống gieo vào tâm hồn của lớp sinh viên chúng tôi, mang lại nguồn cảm hứng, giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Tôi cảm nhận được sự tâm huyết trong nghề của các thầy cô đi trước và tôi muốn nối tiếp nhiệt huyết này để truyền lại cho thế hệ sinh viên sau tôi.

Đối với Trường ĐHKT - ĐHQGHN, cá nhân tôi đánh giá đây là một môi trường làm việc tốt, tạo cho tôi thêm động lực sáng tạo và phát triển. Ở Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, chúng tôi sống rất chan hoà và luôn giúp đỡ lẫn nhau. Trong các cuộc họp chuyên môn, chúng tôi có thể tranh luận gay gắt nhưng ngoài cuộc họp, chúng tôi như là những thành viên của một gia đình. Đặc biệt, tôi thấy cơ hội mà chúng tôi có được tại mái trường này khá công bằng. Tiếng nói của các giảng viên đều được cấp trên và đồng nghiệp lắng nghe, phản hồi nhanh chóng, kịp thời.

- Được biết, mấy năm gần đây, anh đã có nhiều cơ hội đi học tập và công tác ở nước ngoài. Anh có thể chia sẻ về những chuyến đi này không?


PGS.TS Nguyễn Việt Khôi thảo luận cùng học giả quốc tế

Là người làm nghiên cứu và giảng dạy, tôi hiểu rõ tri thức là vô tận, bản thân chẳng thế nào nắm hết được, và chỉ có thể không ngừng chia sẻ, tương tác với những nhà khoa học khác, thì tri thức mới có thể dồi dào và được lấp đầy. Hơn 10 năm qua, tôi cố gắng nắm bắt mọi cơ hội để được học hỏi và giao lưu. Tôi may mắn có cơ hội được tham gia khoá học “Trade liberalization under WTO’s regimes” tại Trường Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore (2002), Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Á - Âu (Asian-European Young Leader Symposium) tại Hà Lan (2004), chương trình huấn luyện đặc biệt cho người dạy kinh tế tại Trường Đại học Claremont, California, Hoa Kỳ (2008), học bổng của Chính phủ theo Đề án 322 hay làm thỉnh giảng tại Trường Đại học Wisconsin - Eau Claire (2006-2008), nghiên cứu sau tiến sĩ theo chương trình học bổng Fulbright tại Trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ (2012-2013), chương trình Lãnh đạo Châu Á tại Nhật Bản (2014)…

Sau mỗi chuyến đi như vậy, nhân sinh quan và thế giới quan của tôi được mở rộng. Tôi có thêm những người bạn mới, gia nhập những mạng lưới nghiên cứu mới. Tôi biết thêm những điều tôi chưa từng nghe tới, biết thêm những vấn đề về quê hương Việt Nam tôi chưa từng gặp phải, hiểu được vì sao tồn tại những vấn đề mà một quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết được. Điều này khiến tôi nỗ lực hơn để gia nhập những chuỗi nghiên cứu toàn cầu. Đó không chỉ là mong muốn cá nhân, mà còn là trách nhiệm của một nhà nghiên cứu, giúp thế giới hiểu hơn về Việt Nam, giúp Việt Nam tương tác chủ động hơn với thế giới. Cuối cùng, những trải nghiệm sau mỗi chuyến đi tôi đều mong muốn chia sẻ với đồng nghiệp và các em sinh viên để họ hiểu hơn về tôi cũng như về những điều tôi đang cố gắng hiện thực hoá.

- Bên cạnh việc nhận được nhiều học bổng du học nước ngoài, anh là giảng viên được nhiều sinh viên quý mến và cũng là giảng viên trẻ có nhiều bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Hoạt động nghiên cứu và giảng dạy có liên quan nhiều đến nhau?

Có chứ! Việc giảng dạy kết với nghiên cứu là nền tảng giúp tôi tự tin hơn khi trình bày những vấn đề chuyên môn. Nhờ vào nghiên cứu, các bài giảng trên lớp của tôi có giá trị hơn đối với sinh viên và học viên. Nếu thiếu hoạt động nghiên cứu, tôi sẽ không có cơ hội được nhận các học bổng tham gia các khoá học hay hội thảo quốc tế. Nghiên cứu cho tôi học bổng, học bổng cho tôi kết quả nghiên cứu mới, kết quả nghiên cứu cho tôi bài giảng hay. Học bổng - Nghiên cứu - Giảng dạy như chiếc kiềng ba chân, làm tôi vững chắc, tự tin phát triển trong môi trường học thuật.

- Vậy, phương châm sống và làm việc của anh là gì?

Mỗi người đều có phương châm sống riêng. Đối với tôi, khi đưa ra bất kỳ một quyết định lớn hay nhỏ nào, tôi chỉ nỗ lực chú tâm vào thực hiện nó, để về sau không bao giờ phải hối tiếc. Tôi nhận thấy mọi thành công đều bắt nguồn từ sự nỗ lực. Tôi tâm đắc với một câu tiếng Anh “Do your best and God will do the rest”.

- Trở thành Phó giáo sư, anh có đặt ra mục tiêu mới cho mình?

Tôi đang ấp ủ mục tiêu từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn; với mục tiêu dài hạn, tôi xin phép chỉ nói về nó khi tôi chạm được tới nó. Điều duy nhất tôi muốn chia sẻ, đó là tôi sẽ không ngừng nỗ lực để theo đuổi những mục tiêu này. Quay lại mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, tôi mong muốn cho ra đời những sản phẩm khả dụng. Những sản phẩm này chính là lớp học trò mà xã hội có thể sử dụng, là những sản phẩm nghiên cứu mà xã hội có thể ứng dụng.

Cuối cùng, nhân dịp năm mới, tôi xin chuyển những lời chúc tốt đẹp nhất tới gia đình, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và các em sinh viên, học viên. Kính chúc mọi người một năm Ất Mùi sức khoẻ, thành công và an khang thịnh vượng.

- Cảm ơn anh! Một lần nữa xin chúc mừng anh đã được công nhận chức danh Phó Giáo sư. Chúc anh tiếp tục đạt được những thành công mới trên con đường đã chọn.


PGS.TS Nguyễn Việt Khôi trình bày trước các học giả quốc tế tại Tokyo (Nhật Bản) trong khuôn khổ Diễn đàn Lãnh đạo Châu Á năm 2014. Nguồn: I-House, Tokyo, Nhật Bản


Lưu Mai (thực hiện)