Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Phát triển sản phẩm tài chính bất động sản ở Việt Nam

Đây là hội thảo do Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN tổ chức sáng ngày 15/7/2014. TS. Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng nhà trường và TS. Lê Trung Thành - Phó Chủ nhiệm thường trực Khoa Tài chính - Ngân hàng chủ trì hội thảo.


Thị trường bất động sản (BĐS) là thị trường quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế, xét cả về quy mô và sức lan tỏa. Tuy mới hình thành từ đầu những năm 1990 những thị trường BĐS ở Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm. Gần đây nhất, giai đoạn 2007-2010, thị trường BĐS đã bùng nổ với giá bị đẩy lên quá cao, dẫn đến thị trường này trở thành bong bóng. Đến nay, sau giai đoạn phát triển quá nóng, thị trường đã đóng băng, tồn kho cao, dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Tình trạng đó dẫn tới cần có những giải pháp đột phá để thúc đẩy thị trường phát triển trở lại theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Hội thảo lần này được tổ chức nhằm công bố một số kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐHKT đã thực hiện được; đồng thời tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi về chủ đề này. Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo các phòng ban, các khoa trực thuộc Trường ĐHKT; các đại biểu, khách mời đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bất động sản; cùng các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên quan tâm.

TS. Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc hội thảo


Hội thảo đã nghe ba tham luận về chính sách phát triển thị trường BĐS ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các giải pháp cho Việt Nam.
Trong đó, tham luận “Chính sách phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam” do TS. Lê Trung Thành trình bày đã đề cập một cách khái quát đặc điểm của thị trường BĐS và một số nét chính về nền tảng pháp lý, diễn biến thị trường BĐS của Việt Nam. Qua đó, tham luận đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm phát triển thị trường BĐS Việt Nam liên quan đến: hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển thị trường nhà cho thuê và nhà ở xã hội, tăng cường sử dụng công cụ thuế, phát triển thị trường thứ cấp cho tín dụng BĐS và đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn mực quốc tế…
Phân tích thực trạng cho vay BĐS ở Việt Nam, tham luận “Thực trạng cho vay bất động sản và các giải pháp, ý tưởng sản phẩm mới” của ThS. Lê Hải - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MBBank) đã phân tích vai trò của ngân hàng thương mại trong tài trợ vốn cho thị trường BĐS; nêu lên kinh nghiệm thực tế về cho vay BĐS tại MBBank, đồng thời đề xuất một số giải pháp, ý tưởng sản phẩm mới về cho vay BĐS. Nét nổi bật trong các giải pháp cho vay BĐS của MBBank chính là hình thức cho vay theo chuỗi gồm 4 đối tượng chính là nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà thầu, chủ đầu tư và người mua nhà nhằm giảm rủi ro cho thị trường và đẩy nhanh tiến độ bàn giao nhà.

(Từ trái qua) TS. Lê Trung Thành, TS. Quách Mạnh Hào, ThS. Lê Hải


Tham luận “Kinh nghiệm thế giới về sản phẩm tài chính bất động sản” của TS. Quách Mạnh Hào (Khoa TCNH, Trường ĐHKT) làm rõ những vấn đề có tính lý luận và nền tảng của việc phát triển các thị trường sơ cấp và thứ cấp của các khoản vay BĐS. Trong đó nhấn mạnh đến hai đặc điểm chính của thị trường thứ cấp. Thứ nhất, các khoản vay trên thị trường sơ cấp cho người mua nhà có thể được chứng khoán hóa để đưa ra thị trường thứ cấp nhằm thu hút các loại nguồn vốn của xã hội và giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Thứ hai, các dự án BĐS có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán nhờ vào các nhà phát hành trái phiếu (một dạng công ty đặc biệt - SPV), theo đó các nhà đầu tư được cung cấp đầy đủ thông tin để đầu tư vào trái phiếu gắn liền với một dự án cụ thể. Điều này sẽ giúp giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nhờ vào việc minh bạch thông tin và quản trị hiệu quả dòng tiền từ dự án. Bên cạnh đó, tham luận cũng đưa ra các mô hình phát triển thị trường sản phẩm tài chính BĐS ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc tuy nhiên các mô hình này đều dựa trên cùng môt nguyên lý như đã đề cập ở trên.

Theo ThS. Nguyễn Quốc Việt (thành viên của nhóm nghiên cứu TCNH), thị trường sản phẩm tài chính BĐS sẽ là kim chỉ nam cho việc phát triển các sản phẩm BĐS phù hợp với nhu cầu có khả năng thanh toán của người mua nhà, phục vụ đắc lực cho đnh hướng phát triển nhà ở của Chính phủ. Đồng thời, một số điều kiện cụ thể cho việc hình thành và phát triển thị trường này ở Việt Nam là hoàn thiện hệ thống pháp lý, hình thành các tổ chức chuyên nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ cho thị trường thứ cấp như định mức tín nhiệm, quản lý khoản vay, thu hồi nhà, bảo hiểm…

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các đại biểu
Thảo luận về kết quả nghiên cứu của các tham luận, các đại biểu và khách mời tại hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, phân tích sự khác nhau giữa thị trường BĐS ở Việt Nam và quốc tế, hay nguyên nhân tại sao sự đỗ vỡ của thị trường BĐS tại Mỹ lại ảnh hướng lớn tới nền kinh tế hơn tại Việt Nam. Ý kiến của đại biểu khác nêu lên vấn đề cung cấp thông tin tư vấn, định hướng về thị trường BĐS hiện nay của Việt Nam còn yếu, các dự án BĐS cũng như việc người dân mua nhà, mua đất chủ yếu theo phong trào.
Qua đây, các đại biểu cũng nêu ra một số giải pháp cho thị trường BĐS Việt Nam hiện nay trong đó có việc phát triển các sản phẩm tài chính BĐS. Các ý kiến đánh giá cao những mô hình, phương án mà các diễn giả đề xuất; tuy nhiên đa số ý kiến thống nhất rằng, với điều kiện hiện tại của Việt Nam vẫn chỉ nên tập trung vào phát triển phát triển thị trường sơ cấp cho tín dụng BĐS.
Tổng kết hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, TS. Lê Trung Thành đã cảm ơn sự tham dự và đóng góp ý kiến quý báu của các đại biểu và khách mời. TS. Lê Trung Thành cho biết, đây sẽ là những góp ý rất hữu ích cho nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKT trong việc tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này trong thời gian tới.

Phúc Nguyên - Quốc Việt


Các tin khác