Trang tin tức sự kiện

Trường Đại học Kinh tế là điểm sáng về tư duy đổi mới và sáng tạo

Một tiết học của sinh viên ĐHKT. Ảnh: MT
Đó là đánh giá của GS.TSKH Đào Trọng Thi, người đã trực tiếp thúc đẩy và theo sát quá trình phát triển của Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN cho đến khi trở thành Trường ĐHKT vào năm 2007. Ông đã nói về giai đoạn này và đưa ra những gợi ý cho tương lai phát triển của Trường ĐHKT.


Phát triển nhờ biết chọn lối đi riêng
Năm 1993, ĐHQGHN được thành lập với sứ mạng phấn đấu trở thành đại học trọng điểm quốc gia - một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, làm nòng cốt và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà. ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại một số đại học lớn ở Hà Nội.
Trải qua nhiều lần tách, nhập, lãnh đạo ĐHQGHN nhận thấy rằng không thể phát triển cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN bằng cách sáp nhập một cách cơ học các trường đại học đơn lẻ. Từ đó, một quyết sách sáng tạo đã nảy sinh và chính thức được Đại hội Đảng lần thứ II của ĐHQGHN thông qua: Đó là hoàn chỉnh và phát triển cơ cấu đa lĩnh vực theo hướng chủ động xây dựng một số trường đại học thành viên mới và khởi đầu bằng việc thành lập các khoa trực thuộc về một số lĩnh vực còn thiếu: công nghệ, kinh tế, luật, giáo dục... Mô hình này là giai đoạn trung chuyển nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thành lập các trường đại học chuyên ngành sau này. Đây là một cách làm độc đáo của ĐHQGHN nhằm mở rộng cơ cấu các lĩnh vực đào tạo bằng chính nội lực của mình.
Trong bối cảnh ấy, Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN được phát triển và nâng cấp từ nền tảng là Khoa Kinh tế - Trường ĐHKHXH&NV và xây dựng thêm một số ngành mới thuộc lĩnh vực kinh tế. Khoa Kinh tế bấy giờ có điểm khác biệt so với các khoa trực thuộc khác là có sức mạnh “cố kết tập thể” lớn tạo nên sự ổn định cao, nhưng đồng thời cũng làm phát sinh sự bảo thủ, trì trệ, không giải phóng được hết các ý tưởng sáng tạo phục vụ cho đổi mới và phát triển.
Cú hích quan trọng tạo sự đột phá của Khoa Kinh tế là khi lãnh đạo ĐHQGHN gắn việc bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2 với yêu cầu xây dựng đề án phát triển Khoa Kinh tế thành Trường ĐHKT. Bắt đầu từ đây, Khoa đã có nhiều chuyển biến rõ nét và cùng với việc bổ nhiệm Ban Chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ mới với tính năng động cao, Khoa dần trở thành điểm sáng về tư duy đổi mới và sáng tạo.
Trường ĐHKT chọn lối đi nào để có thể nhanh chóng bồi dưỡng nội lực cũng như tạo sự khác biệt so với các trường đại học chuyên ngành kinh tế khác vốn đã có bề dày và chỗ đứng trong xã hội? Ngay từ đầu, lãnh đạo ĐHQGHN định hướng Khoa Kinh tế và sau này là Trường ĐHKT, một mặt vẫn phải tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống về kinh tế chính trị, đồng thời dựa trên nền tảng khoa học cơ bản của ĐHQGHN để đi sâu phát triển một số ngành mũi nhọn của lĩnh vực kinh tế chứ không đầu tư dàn trải, tập trung nguồn lực để đưa những ngành đó lên một tầm cao. Sản phẩm đào tạo của Trường cũng cần khác biệt so với các trường đại học kinh tế khác khi hướng vào đào tạo các chuyên gia phân tích kinh tế và các nhà lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp hơn là đào tạo nghiệp vụ.
Và dù còn non trẻ nhưng Trường ĐHKT đã đặt chất lượng đào tạo là ưu tiên hàng đầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. Trường đã chọn hướng phát triển mạnh những chương trình liên kết đào tạo quốc tế với chất lượng cao, tạo uy tín nhất định, qua đó thúc đẩy các chương trình đào tạo thông thường của đơn vị phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, tiếp cận trình độ quốc tế.
Cho đến nay, sự thừa nhận bước đầu của xã hội đối với uy tín của Trường đã chứng minh những hướng đi trên là đúng đắn. Trường cũng chứng tỏ được mình là một tập thể mạnh về tổ chức, sinh hoạt cũng như chuyên môn, trong đó các cá nhân phát huy được năng lực và sức sáng tạo của mình. Từ Khoa Kinh tế thành Trường ĐHKT, tập thể đơn vị đã lựa chọn được ban lãnh đạo trẻ, năng động, đủ năng lực dẫn dắt Nhà trường đi đúng lộ trình phát triển đã xác định từ giai đoạn đầu. 
Sự hình thành và phát triển của ĐHQGHN gắn với nhiều yếu tố đổi mới mang tính đột phá trong giáo dục đại học Việt Nam. Nhưng muốn có một sự đổi mới đúng hướng và vững chắc thì cần có sự ổn định nhất định trong tập thể. Ổn định để đổi mới và phát triển - hai yếu tố này phải luôn kết hợp hài hoà. Tập thể mạnh và có nhận thức đúng sẽ có hướng phát triển đúng. Với những gì làm được cho đến nay, Trường ĐHKT đã chứng tỏ họ đang kết hợp tốt cả hai yếu tố trên để tạo nên sức mạnh của mình.
Hướng tới thương hiệu bằng chất lượng đào tạo của chính mình!
Trong giai đoạn đầu, Trường ĐHKT đã rất nhạy bén khi chọn một hướng đi riêng phù hợp với điều kiện của mình và đáp ứng được nhu cầu xã hội. Các chương trình liên kết đào tạo chất lượng cao mà Trường thực hiện với các đối tác nước ngoài đã bước đầu gây ấn tượng với xã hội và góp phần bồi dưỡng nội lực của Trường trong giai đoạn đầu còn non trẻ. Nhưng cuối cùng, uy tín và thương hiệu của một trường đại học phải được tạo dựng bằng chất lượng của những chương trình đào tạo do chính đại học đó tổ chức thực hiện và quản lý. Do đó, trong giai đoạn tiếp theo, Trường ĐHKT cần nhanh chóng “nội địa hóa” các chương trình đào tạo liên kết quốc tế với phần trách nhiệm tổ chức thực hiện, nhất là quản lý chủ yếu đến từ phía Nhà trường.
Việc chuyển giao chương trình đào tạo, kỹ năng quản lý phải tiến hành song song với việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đạt chuẩn quốc tế. Đó chính là cách biến sức mạnh ngoại sinh thành nội lực, tiếp thu ưu điểm của những chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới để xây dựng những chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường. 
Khi mới thành lập, Trường ĐHKT có điều kiện thu hút nhiều cán bộ có trình độ, được đào tạo bài bản tại nước ngoài. Lực lượng trẻ, năng động và nhiệt huyết này sẽ thổi luồng gió mới vào các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Nhà trường. Những thành tích đạt được trong 5 năm qua có được là nhờ năng lực của đội ngũ cán bộ, ý chí của ban lãnh đạo và cả sự hứng khởi, nhiệt tình của một tập thể mong muốn được bứt phá trong giai đoạn khởi đầu.
Nhưng giai đoạn tiếp theo phải là giai đoạn phát triển đi vào chiều sâu, hướng tới xây dựng thương hiệu và uy tín, chất lượng của chính mình. Uy tín và thương hiệu của Nhà trường phải được tạo dựng bởi chính đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, do chính Trường đào tạo, phát triển. Tập thể ấy phải cùng chung chí hướng trong khoa học, có mối quan hệ chuyên môn mật thiết với nhiều thế hệ thầy - trò, đủ mạnh và đủ bề dày truyền thống để tạo thành một trường phái học thuật riêng. Điều này không dễ dàng nhưng là đích đến của bất kỳ một trường đại học nào muốn có thương hiệu và uy tín vững chắc trong cộng đồng giáo dục đại học trong nước cũng như quốc tế.
Kể từ tiền thân là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường ĐHTHHN cho đến nay, có thể nói Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã có một quá trình phát triển dài và thành công. Nếu Khoa Kinh tế Chính trị trước đây là cái nôi đào tạo cán bộ kinh tế vĩ mô làm việc trong bộ máy Đảng và Nhà nước của cả nước trong suốt giai đoạn đầu xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, có vị trí và uy tín cao trong xã hội, thì Trường ĐHKT - ĐHQGHN ngày nay, với nhiệm vụ và chức năng mới, với sức trẻ và hoài bão mới, phải kế thừa được truyền thống ấy để trong tương lai gần sẽ đưa lĩnh vực kinh tế của ĐHQGHN trở thành một điểm sáng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về kinh tế ở Việt Nam, được xếp thứ hạng cao trong nước và khu vực.


Xem bản in tại đây>>>

Hà Lê (ghi)

Trích Kỷ yếu 5 năm thành lập Trường ĐHKT, 2012.

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành