Trang tin tức sự kiện
 
Đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Do vậy, việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo các chủ đề là một nội dung rất quan trọng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 2012 với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”.


Trước hết, đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là sự kết tinh những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa đạo đức văn hóa của nhân loại. Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng đạo đức, hình thành nên những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp trong các mối quan hệ gia đình, cộng đồng và xã hội.

Đó là truyền thống yêu quê hương đất nước, gắn kết cộng đồng, ý chí độc lập tự cường, tinh thần chống giặc ngoại xâm; đoàn kết thủy chung, nhân ái; quý trọng nghĩa tình, yêu lao động… Đạo đức cách mạng là cái gốc của cán bộ cách mạng, bởi vì muốn làm cách mạng trước hết con người phải có lương tâm trong sáng, có đức tính cao đẹp. Tâm và đức ấy phải được thể hiện trong các mối quan hệ xã hội, với dân, với nước, với đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào và với công việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người khẳng định: Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, trong công tác, trong lao động, trong chiến đấu và trong sản xuất. Cần còn có nghĩa là làm việc phải có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ; Kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cải vật chất và tinh thần cho nhân dân; Liêm là liêm khiết, trong sáng, không tham lam của cải vật chất, không tham địa vị; không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình; Chính là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái hư, cái xấu, cái sai trái; Chí công vô tư là mình vì mọi người; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu; khi khó khăn thì đi trước, hưởng thụ sau; không tham tiền tài, địa vị, chỉ có một mục đích cao nhất là làm sao để cuộc sống của nhân dân no đủ, hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng. Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần kiệm liêm chính sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại.

Suốt đời vì dân, vì nước, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Sinh ra, lớn lên ở một vùng quê nghèo khổ nhưng giàu truyền thống yêu nước, văn hiến, Người được nuôi dưỡng, thấm nhuần sâu sắc triết lý sống của cha ông: Muốn dựng làng và giữ nước phải bắt đầu từ việc làm người một cách thành thật đúng nghĩa. Bài học đạo đức lớn nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho mọi thế hệ người Việt Nam chính là bài học ở đời và làm người, mà nội dung và chiều sâu nhân văn của nó là yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức bóc lột.

Gia đình, quê hương, đất nước đã hình thành nên một Hồ Chí Minh mang nhân cách vĩ đại giàu lòng yêu nước, thương dân, nhất là những người nghèo khổ, giúp Người thấu hiểu được sức mạnh của ý chí tự cường, tinh thần tự tôn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân...”.

Đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị, tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đó là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và đức khiêm tốn hết mực. Người coi khinh sự xa hoa để sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính một cách cần mẫn. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nói đi đôi với làm. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Bác vẫn chấp nhận mọi công việc, miễn là việc đó có lợi cho Tổ quốc, có lợi cho cách mạng. Người là tấm gương sáng về người lãnh đạo, Người đứng đầu ở vị trí cao nhất nhưng luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, không mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Người về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân... luôn là di sản vô giá cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau học tập và làm theo.

Người tâm sự khi phải giữ trọng trách Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân thì phải ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, con trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nguyện: trung thành và kiên định với đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, đủ sức đảm đương nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; giữ gìn phẩm chất và đạo đức cách mạng, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, đi sát cơ sở, đi đến những nơi khó khăn nhất, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy sức mạnh, sáng kiến của đảng bộ và nhân dân để giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra; có tinh thần cảnh giác, chủ động chống chủ nghĩa cá nhân, có lối sống lành mạnh, giản dị và tiết kiệm; đẩy mạnh chống tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác; đấu tranh chống diễn biến hoà bình, các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ đảng viên của Đảng do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện; xứng đáng là cán bộ, công chức của Nhà nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun trồng.


Nguyễn Đăng Bình