Trang Nghiên cứu
 
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định trồng cây lâm nghiệp của các hộ gia đình: Nghiên cứu điển hình tại tỉnh Hòa Bình, Việt Nam

Trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành đã có những nỗ lực to lớn trong phục hồi và phát triển rừng, đặc biệt là diện tích rừng trồng ngày càng gia tăng. Trong đó, việc phát triển trồng rừng sản xuất quy mô hộ gia đình tại các địa phương là rất cấp thiết, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Bài báo “Key Factors Influencing Forest Tree Planting Decisions of Households: A Case Study in Hoa Binh Province, Vietnam” của Lê Đình Hải và cộng sự được công bố trên tạp chí Forests, Trees and Livelihoods đã mang lại những phát hiện quan trọng về các yếu tố liên quan đến hộ gia đình, điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế ảnh hưởng đến quyết định trồng cây lâm nghiệp của các hộ gia đình ở Việt Nam nói chung và trong khu vực nghiên cứu nói riêng.


Hiện nay ở Việt Nam có 4,46 triệu ha đất rừng, với 70% là đất rừng sản xuất được giao cho 1,2 triệu hộ gia đình quản lý và sử dụng. Các chủ rừng là cá nhân và hộ gia đình đang quản lý trên 1,5 triệu ha rừng trồng, chiếm 38% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc. Phát triển rừng trồng đã góp phần đáng kể trong nỗ lực nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ ngày càng tăng nhanh và trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 đạt 12,371 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Vì vậy nhu cầu về gỗ nguyên liệu ngày càng tăng cao. Nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam hiện đang rất khó khăn, chủ yếu từ 2 nguồn cơ bản: Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước (gỗ tự nhiên và gỗ rừng trồng) và nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Về nguồn nguyên liệu gỗ trong nước thì kể từ năm 2014, Chính phủ quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, do vậy nguồn nguyên liệu gỗ nội địa chỉ còn trông chờ vào gỗ rừng trồng. Nguyên liệu gỗ rừng trồng hiện đạt khoảng 3,2 triệu ha, với trữ lượng gỗ đạt khoảng 60 triệu m3. Sản lượng gỗ rừng trồng đạt khai thác đạt trên 5 triệu m3/năm, tuy nhiên lượng gỗ này chủ yếu là Keo và Bạch đàn (loại gỗ khai thác ở độ tuổi từ 6-10 năm, đường kính nhỏ, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu).

Mặc dù các chủ rừng quy mô hộ gia đình đã được hỗ trợ trong thời gian qua, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, dịch bệnh COVID-19 và các yêu cầu ngày càng tăng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các chủ rừng quy mô hộ gia đình đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: năng suất thấp, giá trị kinh tế chưa cao, khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư, các yêu cầu về chứng chỉ rừng và gỗ hợp pháp, vv. Khả năng mở rộng diện tích rừng trồng qui mô hộ gia đình là gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, phát triển trồng rừng sản xuất quy mô hộ gia đình là rất cấp thiết mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 250 hộ gia đình của 2 huyện, cụ thể là huyện Cao Phong và huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định trồng rừng của hộ gia đình. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Nhận thức và cả thái độ của hộ gia đình đối với ý nghĩa và lợi ích của trồng rừng, kiến thức của chủ hộ về kỹ thuật lâm sinh, vốn đầu tư, sự tham gia của các hộ gia đình vào các chương trình rừng và tuổi của chủ hộ có ảnh hưởng quan trọng đến quyết định trồng cây rừng của các hộ gia đình trên địa bàn nghiên cứu.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đạt được, để tăng cường sự tham gia của các hộ gia đình vào các hoạt động phát triển trồng rừng sản xuất, nhóm tác giả đề xuất ưu tiên thực hiện một số giải pháp sau: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của trồng rừng để làm thay đổi nhận thức và thái độ của hộ gia đình đối với trồng rừng sản xuất; (2) Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm để trang bị kỹ thuật lâm sinh cho hộ gia đình; (3) Mở rộng thị trường cung cấp yếu tố đầu vào để các hộ gia đình dễ dàng tiếp cận với vật tư và thiết bị trồng rừng; (4) Tạo điều kiện cho các hộ trồng rừng dễ dàng tiếp cận với các hệ thống tín dụng với lãi suất ưu đãi; (5) Xây dựng và triển khai nhiều hơn các chương trình dự án lâm nghiệp để tạo cơ hội cho hộ gia đình tham gia.

 
>> Xem bài gốc:
- Hai Dinh Le, Thi Mai Anh Tran & Huong Thanh Pham, “Key Factors Influencing Forest Tree Planting Decisions of Households: A Case Study in Hoa Binh Province, Vietnam”, Forests, Trees and Livelihoods, Volume 30, 2021 - Issue 1.
 

 

Về tác giả bài báo thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:
 

     PGS.TS. Lê Đình Hải: Phó Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Lâm nghiệp với bằng kỹ sư lâm nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế năm 1996, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý môi trường và Phát triển tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) năm 2006; tốt nghiệp tiến sĩ Kinh tế Tài nguyên và Môi trường tại Đại học Tổng hợp Queensland (UQ) - Australia năm 2013.

Đến nay, PGS.TS. Lê Đình Hải đã công bố được trên 10 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín như Gobal Environmental Change, Rural Studies, Ecological Modelling, Smallscale Forestry, Sustainable Forestry thuộc danh mục SCI, SSCI, SCIE. Ông là giảng viên với hơn 25 năm kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực: Kinh tế và chính sách nông lâm nghiệp và tài nguyên môi trường, Quản lý kinh tế, Phát triển sinh kế bền vững, Giảm nghèo đa chiều và bền vững. Thế mạnh của ông là ứng dụng các phần mềm thống kê chuyên ngành như STATA, SPSS, NETICA cho việc phân tích số liệu, đặc biệt là ứng dụng mô hình hồi quy tuyến tính, mô hình Logit nhị phân (Binary Logistic Regression), mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA) và mô hình cấu trúc SEM; mô hình hóa như Mô hình mạng Baysian Network (BNs). Các mô hình định lượng này đã được ứng dụng trong nghiên cứu khoa học và công bố nhiều bài báo khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, ông đã tham gia hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải các cấp.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN