Trang Nghiên cứu
 
Mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn động để phân nhóm nhà cung cấp xanh

Đánh giá và phân nhóm nhà cung cấp có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp nhằm giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Nghiên cứu của TS. Lưu Quốc Đạt và cộng sự với tiêu đề “Correction: A dynamic generalized fuzzy multi-criteria group decision making approach for green supplier segmentation” được công bố trên tạp chí PLOS ONE đã phát triển được mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn động sử dụng số mờ tổng quát để đánh giá và phân nhóm nhà cung cấp xanh.


Trong mô hình đề xuất, giá trị trung bình tỷ lệ của các nhà cung cấp, giá trị trung bình trọng số của các tiêu chuẩn được xác định với trọng số thời gian. Tiếp đó, nghiên cứu tiến hành xếp hạng và phân nhóm các nhà cung ứng sử dụng phương pháp trọng tâm. Mô hình đề xuất được áp dụng để đánh giá và phân nhóm các nhà cung ứng của một công ty thiết bị vận tải tại Việt Nam, cũng như so sánh với các mô hình ra quyết định khác. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả chỉ ra rằng, mô hình đề xuất là hiệu quả khi triển khai trên thực tiễn để giải quyết các vấn đề ra quyết định đa tiêu chuẩn trong môi trường thông tin không đầy đủ.

Điểm đóng góp mới của nghiên cứu là phát triển mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn mới để đánh giá và phân nhóm các lựa chọn sử dụng số mờ tổng quát với trọng số thời gian. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình đề xuất không chỉ có thể đánh giá và phân nhóm các nhà cung cấp mà còn có thể giải quyết các vấn đề ra quyết định đa tiêu chuẩn khác trong môi trường thông tin không đầy đủ. Các bước vận dụng mô hình đề xuất như sau: (i) Xác định các lựa chọn tiềm năng; (ii) Xác định bộ tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá; (iii) Thành lập hội đồng ra quyết định; (iv) Xác định trọng số trung bình của các tiêu chuẩn/tiêu chí sử dụng số mờ tổng quát với trọng số thời gian; (v) Xác định giá trị tỷ lệ trung bình của các lựa chọn sử dụng số mờ tổng quát với trọng số thời gian; (vi) Xếp hạng và phân nhóm các lựa chọn sử dụng phương pháp chỉ số trọng tâm.

Nghiên cứu này đã vận dụng mô hình đề xuất để đánh giá và phân nhóm nhà cung cấp xanh dựa trên hai nhóm tiêu chuẩn liên quan tới năng lực và sự sẵn sàng hợp tác của các nhà cung cấp. Trên cơ sở hai nhóm tiêu chuẩn này, các nhà cung cấp được phân thành bốn nhóm: Nhóm 1 gồm các nhà cung cấp có năng lực và sự sẵn sàng hợp tác thấp; nhóm 2 gồm các nhà cung cấp có năng lực thấp nhưng sự sẵn sàng hợp tác cao; nhóm 3 gồm các nhà cung cấp có năng lực cao nhưng sự sẵn sàng hợp tác thấp; nhóm 4 bao gồm các nhà cung cấp có năng lực và sự sẵn sàng hợp tác cao.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp có thể sử dụng các chiến lược khác nhau đối với các nhóm nhà cung ứng khác nhau. Cụ thể: doanh nghiệp có thể thử nghiệm và phát triển những nhà cung cấp xanh thuộc nhóm 1 hoặc chấm dứt mối quan hệ với họ để có được những lựa chọn thay thế tốt hơn. Đối với các nhà cung cấp xanh thuộc nhóm 2, doanh nghiệp nên giúp những nhà cung cấp xanh này cải thiện năng lực và hiệu suất của họ hoặc thay thế họ bằng những nhà cung cấp có năng lực trong ngắn hạn. Đối với các nhà cung cấp xanh thuộc nhóm 3, doanh nghiệp nên tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ của mình với các nhà cung cấp xanh này và xác định các cách tiếp cận khác nhau để trở nên hấp dẫn đối với họ. Đối với các nhà cung cấp xanh thuộc nhóm 4, doanh nghiệp nên duy trì mối quan hệ lâu dài chặt chẽ với các nhà cung cấp xanh này thông qua việc cung cấp các chính sách ưu đãi.

 

>> Xem chi tiết:

- Duc DA, Van LH, Yu VF, Chou SY, Hien NV, Chi NT, Toan DV, Dat LQ (2021), Correction: A dynamic generalized fuzzy multi-criteria group decision making approach for green supplier segmentation, PLOS ONE 16(5): e0251940.

 


VỀ TÁC GIẢ BÀI BÁO:

Nhóm tác giả:

  • Đỗ Anh Đức: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
  • Lưu Hữu Văn: Trường ĐHKT - ĐHQGHN
  • Vincent F. Yu: Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan
  • Shuo-Yan Chou: Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan
  • Ngô Văn Hiền: Trường Đại học Phenikaa
  • Ngô Thế Chi: Học viện Tài chính Ngân hàng
  • Đinh Văn Toàn: Trường ĐHKT - ĐHQGHN
  • Lưu Quốc Đạt (tác giả chính): Trường ĐHKT - ĐHQGHN

 

Tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

 TS. Lưu Quốc Đạt nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Công nghiệp tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan. Ông hiện là giảng viên, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Các hướng nghiên cứu chính của TS. Lưu Quốc Đạt gồm: lý thuyết tập mờ, các mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn, quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế số và năng lượng tái tạo. Ông đã có khoảng 30 bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus. Ông cũng chủ trì, tham gia nhiều đề tài khoa học các cấp. Hiện TS. Lưu Quốc Đạt là thành viên ban biên tập của tạp chí quốc tế Neutrosophic Sets and Systems.
 
 

TS. Lưu Hữu Văn nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Công nghiệp tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan. TS. Lưu Hữu Văn hiện là giảng viên của Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Các hướng nghiên cứu chính của ông gồm: lý thuyết tập mờ, các mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn, quản lý chuỗi cung ứng. Ông đã có một số bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus.

  

TS. Đinh Văn Toàn nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông hiện là giảng viên cao cấp của Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - ĐHQGHN. Các hướng nghiên cứu chính của ông gồm: Phát triển nguồn nhân lực, phát triển tổ chức, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, quản trị công ty, quản trị đại học. Ông đã có một số bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus, đồng thời chủ trì, tham gia nhiều đề tài khoa học các cấp.

 



Các tin khác

<123>